Chuyên gia đề xuất dùng AI, Blockchain trong quản lý dữ liệu đất đai
Việt Nam cần học hỏi các quốc gia trên thế giới trong việc ứng dụng AI hoặc Blockchain khi quản lý dữ liệu đất đai, tăng minh bạch và công khai thông tin.
Quan điểm này được TS Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services, nêu tại Hội thảo “Chính sách mới – Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 28/6.
Theo ông Khôi, một trong những vấn đề khó giải quyết nhất của thông tin bất động sản tại Việt Nam là dữ liệu còn phi cấu trúc. Những thông tin nhà đất chưa được tổ chức, đồng bộ giữa các bên giao – nhận trước khi nhập lên hệ thống hoặc chuyển cho bộ ngành khác, dẫn đến đứt gãy trong trao đổi dữ liệu.
Chẳng hạn, dữ liệu khi được chuyển từ Bộ Tài nguyên & Môi trường sang Bộ Tài chính, rồi chuyển tiếp cho Bộ Xây dựng thì sẽ không khớp, không ráp được với nhau, do chưa lập được cơ sở dữ liệu chung. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kết nối và liên lạc giữa các bộ ngành liên quan.
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay khi thực hiện thủ tục, hồ sơ giấy tờ về đất đai cho doanh nghiệp, người dân, cơ quan đều phải scan và làm lại dữ liệu số, mất thời gian.
“Chúng tôi mong rằng thông tin sẽ liên thông từ các nguồn dữ liệu như công chứng, ngân hàng, tranh chấp đất đai và cả các thông báo thụ lý ra tòa án. Hiện nay hầu hết công việc đó đều do các cơ quan đăng ký làm công tác nhập thủ công”, ông Tuấn cho hay.
TS Phạm Anh Khôi đề xuất Việt Nam nên ứng dụng công nghệ AI hoặc Blockchain như một số quốc gia trên thế giới như Australia, Trung Quốc… để nâng cao khả năng quản lý dữ liệu bất động sản. Về cơ bản, AI hoặc Blockchain sẽ giúp lọc ra những thông tin phi cấu trúc từ các nguồn dữ liệu khác nhau, đồng thời quy hết những thông tin bất động sản về một nguồn dữ liệu, tiện cho việc theo dõi.
Ông Khôi lấy dẫn chứng về hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đang được sử dụng tại Australia. Cụ thể, chính quyền nước này không tham gia trực tiếp vào việc định giá đất, thay vào đó, họ xây dựng một cổng thông tin dữ liệu về đất đai rất lớn và cung cấp công khai, minh bạch thông tin trên này. Các đơn vị tham gia thẩm định giá như chủ đầu tư, người dân, cơ quan chức năng đều sử dụng những thông tin có tính pháp lý tại cổng thông tin trên phục vụ cho việc định giá.
Ngoài ra, toàn bộ giao dịch nhà đất ở Australia đều phải thông qua Trung tâm giao dịch bất động sản để ghi nhận thông tin, cập nhật đầy đủ dữ liệu quy về hệ thống chính, tiện cho việc theo dõi thông tin nhà đất.
“Ứng dụng công nghệ sẽ là tương lai cho việc quản lý, thu thập thông tin bất động sản”, ông Khôi nói.
Không chỉ riêng cơ quan quản lý hay doanh nghiệp, người dân cũng sẽ được hưởng lợi khi ứng dụng AI vào hệ thống quản lý thông tin đất đai. Ông Khôi lấy ví dụ về một hệ thống AI tra cứu luật, tổng hợp toàn bộ luật đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản sẽ giúp người dân dễ dàng tra cứu mọi văn bản luật và án lệ cũ khi xảy ra tranh chấp.
Theo ông Lê Thanh Tuấn, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh và làm việc với Cục Chuyển đổi số, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Cục C06, Bộ Công an để từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Tuấn kỳ vọng khi luật mới đi vào thực tiễn, việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân và cả cơ quan chức năng khi thực hiện giấy tờ, thủ tục hành chính về đất đai.
Phó Vụ trưởng Vụ đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, bổ sung thêm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai cần thực hiện theo hướng phục vụ đa mục đích, liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, đặc biệt giữa ngành quản lý đất đai, tài chính và thuế.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Hoàng Hải, cho biết luật mới yêu cầu tăng sự công khai, minh bạch trong thông tin nhà đất. Khi hệ thống cơ sở dữ liệu được cập nhật đầy đủ, người mua sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin sạch, giảm rủi ro tranh chấp trong mua bán bất động sản.
Trước đó, theo nghị quyết phiên họp Chính phủ ngày 6/2, Chính phủ giao 5 bộ sớm ban hành kế hoạch xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các bộ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trên là Tài nguyên & Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm nhiều thành phần dữ liệu như tổng hợp về địa chính, không gian, thửa đất, biểu số liệu; hiện trạng sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; khung giá đất, giá đất giáp ranh, bảng giá đất; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai như chất lượng, tiềm năng, thoái hóa, ô nhiễm đất…
Tháng 2/2023, chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc lại ý tưởng các cơ quan sẽ thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ giá đất toàn quốc. Việc này nhằm khắc phục khó khăn trong định giá đất theo giá thị trường, tạo cơ sở thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư.
Bình Nghi