Tin tức cập nhật

Doanh số bán nhà Trung Quốc chỉ cải thiện ở thành phố lớn


Các biện pháp hỗ trợ bất động sản mới của Bắc Kinh đã thúc đẩy giao dịch ở các thành phố lớn nhất nhưng đô thị nhỏ vẫn trầm lắng.

Hôm 17/5, Trung Quốc cho phép giảm mức trả trước tối thiểu và lãi vay mua nhà, đồng thời chỉ đạo các chính quyền địa phương mua lại những căn hộ ế nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tác động của các chính sách này đến nay không đồng đều và chỉ hiệu quả tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu bất động sản China Index Academy cho biết giao dịch trung bình hàng ngày đối với nhà hiện hữu từ ngày 18/5 đến ngày 5/6 cao hơn 27,7% so với mức trung bình tháng 4 ở Thượng Hải và 8,1% tại Bắc Kinh.

Tại Thượng Hải, một đại lý môi giới cho biết số lượng khách tìm hiểu mua căn hộ đã tăng 3 lần kể từ khi thành phố nới lỏng mức trả trước. Nhờ vậy, doanh số đạt 700-900 căn mỗi ngày so với 500 căn trước đó. Một đại lý môi giới khác cũng cho biết số lượt xem nhà tăng 60%.

Môi giới ở Bắc Kinh cũng cho biết lượt xem nhà tăng “rất nhiều”. “Cơ bản là tất cả các đại lý đều đã được đặt kín lịch”, Đại diện một công ty nói.

Một góc Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Pixabay

Một góc Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Pixabay

Tuy nhiên, dữ liệu giao dịch giai đoạn 8-10/6 tại 30 thành phố của China Index Academy chỉ ra doanh số bán nhà vẫn giảm 16% so với cùng kỳ. Dữ liệu này bao gồm các thành phố nhiều quy mô khác nhau nên cho thấy doanh số của nhóm thành phố nhỏ vẫn giảm.

“Những thành phố nhỏ đang rất nỗ lực để khuyến khích người dân mua thêm nhà nhưng không hiệu quả,” Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại công ty tư vấn tài chính Gavekal Dragonomics (Hong Kong) nhận xét.

Giao Châu – thành phố dưới một triệu dân ở tỉnh Thanh Đảo, đã cho phép người mua chỉ trả trước 15% giá trị căn hộ, chia đều thành 2 lần trả trong 2 năm. Tuy nhiên, các đại lý bất động sản tại đây nói thị trường không cải thiện.

“Khối lượng công việc của tôi vẫn như cũ. Chúng tôi có thể nhận được hỏi thăm nhiều hơn nhưng không nhiều người thực sự đặt lịch xem nhà”, một môi giới nói.

Chính quyền thành phố Trường Sa, nơi có khoảng 10 triệu dân ở tỉnh Hồ Nam yêu cầu các nhà phát triển bất động sản hoàn tiền đặt cọc vô điều kiện nếu người mua thay đổi ý định trước khi hoàn tất giao dịch. Giới chức hy vọng chính sách này khuyến khích những khách hàng đang do dự. “Ít người muốn mua nhà lúc này. Khách hàng cho rằng chính bởi thị trường không tốt nên mới có chính sách mới”, môi giới họ Xu tại Trường Sa nói.

Lĩnh vực bất động sản từng đóng góp gần một phần tư GDP Trung Quốc trước khi rơi vào khủng hoảng vào năm 2021. Zhang Zhiwei, Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management lý giải các chính sách gần đây phát huy hiệu quả ở các thành phố lớn vì thị trường nơi đó có cung và cầu cân bằng hơn. “Nhiều thành phố nhỏ gặp phải vấn đề cung vượt cầu về cơ cấu lâu dài và khó giải quyết hơn nên sẽ mất nhiều thời gian hơn”, ông nói.

Loạt chính sách mới không kích cầu được thị trường ở các thành phố nhỏ, nơi nguồn cung dư thừa lớn hơn nhiều so với các thành phố lớn, làm đấy lên lo ngại suy thoái bất động sản vẫn có thể kéo dài và áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc mở rộng thêm hỗ trợ.

Goldman Sachs dự đoán sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng trong những tháng tới. “Xét đến tình trạng thị trường yếu kém dai dẳng ở các thành phố cấp thấp và các nhà phát triển tư nhân, các biện pháp nới lỏng vừa qua chỉ có thể dẫn đến sự phục hồi hình chữ L trong những năm tới”, báo cáo của nhà băng này viết.

Anh Kỳ (theo Reuters)




Source link