M&A địa ốc được dự báo sôi động nửa cuối năm
Mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản sẽ sôi động nửa cuối năm khi doanh nghiệp địa ốc cần nguồn lực tái cấu nợ vay, theo Chứng khoán MB.
Từ đầu năm tới nay, thị trường địa ốc chưa ghi nhận thương vụ M&A dự án bất động sản quy mô, giá trị lớn nào. Trong khi năm ngoái M&A khá sôi động, loạt ông lớn ngoại chi hàng triệu USD để mua lại một phần hoặc toàn bộ các dự án của doanh nghiệp địa ốc nội. Chẳng hạn, Gamuda mua dự án ở TP Thủ Đức với giá hơn 300 triệu USD; Capitaland mua một phần dự án rộng 5,6 ha tại khu Smartcity Tây Mỗ của Vinhomes.
Dù vậy, Công ty Chứng khoán MB (MBS) trong dự báo mới nhất cho rằng hoạt động mua bán sáp nhập các dự án bất động sản là một phần quan trọng với thị trường ở nửa cuối năm nay.
Theo lý giải của MBS, sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản còn yếu và chưa tiếp cận được vốn, trong khi chi phí phát triển dự án ngày càng tăng. Vì vậy, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực sẽ giúp họ duy trì hoạt động.
Cùng đó, Chứng khoán MB nhận định biến động lãi suất của Mỹ đã giảm đi đáng kể, giúp bên mua dễ dàng hơn trong thu xếp vốn cho các thương vụ M&A. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn nhắm vào các dự án pháp lý rõ ràng.
Còn theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm nhiều loại hình bất động sản ở Việt Nam. Ông Khương cho biết các dự án nhà ở sẽ thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển loại hình này ở nước ngoài.
Thực tế, nhiều dự án bất động sản trong nước vẫn gặp khó khăn về pháp lý. Do đó, theo ông Khương thời gian gần đây các nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các sản phẩm có thể tạo ra dòng tiền ngay, như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng.
“Các phân khúc này thường mất 10-12 năm mới hoàn vốn nên thường thu hút các nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam”, ông Khương cho hay.
Đồng thời, theo Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng có xu hướng đầu tư vào các đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An nhờ lợi thế quỹ đất rộng, giá mềm và cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn các đô thị lớn. Hiện, quỹ đất tại Hà Nội, TP HCM gần như không còn.
Không chỉ nhà đầu tư ngoại, nhiều doanh nghiệp nội cũng rục rịch trở lại với kế hoạch mở rộng quỹ đất qua M&A dự án, sau khi vơi bớt các khó khăn tài chính. Tại phiên họp thường niên tháng trước, lãnh đạo An Gia cho hay đặt mục tiêu mua 1-2 dự án mỗi năm tại TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai.
Sở hữu quỹ đất hơn 680 ha để để phát triển dự án đến năm 2030, Nam Long cũng có kế hoạch dành ngân sách để mở rộng thêm quỹ đất sạch, phát triển quỹ đất đô thị mới trong dài hạn.
Trước đó, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Trang Bùi cũng dự báo cuộc đua mở rộng quỹ đất năm 2024 sẽ chứng kiến sự trở lại nhiều hơn của các doanh nghiệp nội sau một năm bị khối ngoại lấn át.
Anh Tú