Người Trung Quốc chờ 8 năm chưa được nhận nhà
Khoảng 1.500 người mua nhà ở một dự án tại Thiên Tân (Trung Quốc) đến nay vẫn chưa nhìn thấy căn hộ mà họ trả tiền từ năm 2016.
Cũng như nhiều dự án khác ở Trung Quốc, một dự án chung cư tại Thiên Tân mở bán trước khi hoàn thiện. Hãng bất động sản Zhuoda Yidu cam kết bàn giao muộn nhất là năm 2019. Nhưng đến nay, phần lớn dự án vẫn chưa hoàn thành. Trong số người mua, có người đã thanh toán toàn bộ. Số khác trả theo giai đoạn. Đây là ví dụ mới nhất cho thấy thách thức với thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn rất lớn.
Trên CNBC, một số người cho biết họ đang cố lấy lại tiền hoặc thu thập thông tin về dự án. “Tôi cảm thấy như bị lừa. Giờ tôi chỉ mong trả lại được căn hộ và lấy tiền về. Kể cả được bàn giao nhà, tôi cũng không thấy vui”, một người nói.
Một số cho biết họ mua căn hộ làm nơi nghỉ hưu cho cha mẹ, hoặc để con cái học trường gần đó. Nhưng trong thời gian chờ đợi, cha mẹ của một người mua đã qua đời. Người khác thì phải tìm trường khác cho con học.
“Tôi cho rằng việc này phản ánh rắc rối của các hãng bất động sản hiện rất lớn. Điều xảy ra với dự án ở Thiên Tân không phải là cá biệt. Nhiều trường hợp nữa có thể nảy sinh trong tương lai gần”, Dan Wang – nhà kinh tế học tại Hang Seng Bank nhận xét.
Các hãng bất động sản Trung Quốc đã gánh khối nợ lớn khi phát triển nhanh vài thập kỷ qua. Tốc độ xây dựng cũng vượt xa nhu cầu. Việc này đẩy lĩnh vực địa ốc Trung Quốc vào khủng hoảng từ giữa năm 2021, khi chính phủ siết khả năng vay mới của các doanh nghiệp để giảm rủi ro hệ thống.
Nạn nhân lớn nhất là Evergrande – công ty nặng nợ nhất thế giới, đã vỡ nợ cuối năm 2021. Ở thời điểm đó, Evergrande có số dự án dang dở trị giá 174 tỷ USD, vượt xa khả năng hoàn thành và chào bán của hãng.
Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) ước tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có khoảng 20 triệu căn nhà chậm tiến độ và hoãn bàn giao.
Tháng trước, Zhuoda Yidu đưa ra đề xuất giải quyết tranh chấp với người mua nhà. Theo đó, các căn hộ có thể hoàn thành năm 2025 hoặc 2026 nếu người mua đồng ý thanh toán nốt tiền nhà trong vài tuần tới, cộng với một số chi phí khác.
Công ty này không đưa ra lựa chọn khác, và cho biết các căn nhà phải được định giá theo giá trước khi thị trường khủng hoảng. Điều này đồng nghĩa giá sẽ gấp 2-3 lần hiện tại. Họ cũng không đề cập đến các hậu quả mà người mua phải chịu trong 8 năm chờ nhà.
“Tôi vay tiền từ bố mình để trả trước mua nhà. Tôi không thể nói với ông ấy là nó vẫn chưa hoàn thành được. Hồi Covid-19, tôi đã giải thích rằng việc thi công bị trì hoãn. Nhưng giờ chẳng còn lý do nào nữa”, một người mua cho biết trên CNBC.
Tình hình hiện tại khiến người mua cảm thấy họ sẽ không bao giờ được nhận nhà, dù rót thêm tiền, nguồn tin của CNBC cho biết. Nguồn tin này nói rằng khoảng 90% người mua đã từ chối đề xuất của công ty bất động sản trên.
Nhu cầu mua nhà ở Thiên Tân và các khu vực quanh Bắc Kinh tăng vọt từ trước khi đại dịch diễn ra. Nguyên nhân là những người làm việc ở Bắc Kinh muốn có nơi ở giá cả phải chăng hơn, trong bối cảnh giá nhà gần chạm đỉnh.
Họ cũng muốn có hộ khẩu ở những nơi này. Các thành phố như Thiên Tân gần đây dùng chính sách hộ khẩu để thu hút cư dân mới.
Lĩnh vực bất động sản gặp khó cũng đè nặng lên ngân sách chính quyền địa phương. Bán đất cho các hãng địa ốc từng là nguồn thu chính của họ. Theo S&P Global Ratings, trong nhóm thành phố lớn ở Trung Quốc, Thiên Tân hiện là một trong những nơi có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất.
3 năm qua, Bắc Kinh nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng bằng các biện pháp kích thích như giảm lãi vay và nới lỏng hạn chế mua nhà. Tuần trước, hai thành phố Hàng Châu và Tây An đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế.
Trước đó, các thành phố khác cũng thực hiện các bước quan trọng giúp quá trình mua bất động sản dễ dàng hơn. Trong một cuộc họp cuối tháng trước, các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cam kết tiếp tục đảm bảo việc giao nhà và bảo vệ quyền lợi người mua.
Với nhiều gia đình Trung Quốc, phần lớn tài sản của họ nằm trong nhà đất. Một người mua đã dốc 190.000 nhân dân tệ (26.200 USD) để mua căn hộ 2 phòng ngủ, rộng 90 m2 tại dự án ở Thiên Tân nói trên. Đó là số tiền tiết kiệm trong nhiều năm của người này.
Thu nhập khả dụng của người dân Bắc Kinh là 88.650 nhân dân tệ một năm. Con số này tại Thiên Tân chỉ là hơn 51.000 nhân dân tệ. “Chúng tôi không có nhiều tiền đến thế. Nếu có đủ tiền, chúng tôi đã mua nhà ở Bắc Kinh rồi”, người này nói.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)