Thanh khoản đất nền phía Nam vẫn ảm đạm
Những tháng qua, giao dịch đất nền ở các tỉnh phía Nam tiếp tục ảm đạm với tỷ lệ hấp thụ chưa đến 10% rổ hàng sơ cấp.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy quý II, thị trường đất nền TP HCM và các tỉnh vùng ven chưa có tín hiệu phục hồi cả cung và cầu. Rổ hàng sơ cấp (chủ đầu tư mở bán lần đầu) tiếp tục giảm, tỷ lệ hấp thụ chưa đến 10%. Một số ít dự án mạnh dạn mở bán thời gian qua phần nhiều để tạo tiếng vang, còn giao dịch thực tế vẫn kém, không như kỳ vọng.
Chia sẻ về hoạt động bán hàng 3 tháng gần đây, giám đốc một công ty bất động sản tại Bến Cát, Bình Dương, thừa nhận đất nền bán rất chậm, khó tiêu thụ hơn so với cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Ông cho biết đang bán dự án đất nền quy mô dưới 100 sản phẩm. Quý I giao dịch được 22 nền, sang quý II tính đến hết tháng 6 mới bán được thêm 11 nền.
“Doanh nghiệp đã tổ chức khá nhiều hoạt động kích cầu, cả những chương trình tọa đàm, nhận diện tiềm năng thị trường kèm theo chính sách thanh toán, chiết khấu bán hàng nhưng giao dịch vẫn không bằng các tháng đầu năm”, ông nói.
Một dự án đất nền khác diện tích hơn 18 ha tại Bến Lức, Long An triển khai từ năm 2022 cũng mở bán rổ hàng giai đoạn cuối, từ giữa tháng 4. Tính đến nay, dự án này chỉ bán được 10 nền đất.
Số liệu từ DKRA Group cũng cho thấy đến cuối tháng 5, TP HCM và vùng phụ cận có 9 dự án đất nền mở bán gồm 3 dự án mới và 6 dự án bán giai đoạn tiếp theo, với 561 sản phẩm. So với cùng kỳ 2023, nguồn cung giảm 55%, tỷ lệ tiêu thụ trên rổ hàng mới đạt 9%, (tương ứng bán được 49 sản phẩm) giảm 89%.
Còn theo chuyên trang Batdongsan, trong quý II, nhu cầu tìm mua đất nền, nhà liền thổ các tỉnh phía Nam không còn giữ được phong độ như các tháng đầu năm. Một khảo sát mới đây của đơn vị này thực hiện với 1.000 nhà môi giới phân khúc đất nền, chỉ khoảng 21% đánh giá giao dịch có tăng. Con số này giảm 4% so với khảo sát thực hiện quý I. Lượng môi giới đánh giá giao dịch đất nền giảm chiếm đến 29%, tăng 10% so với kết quả khảo sát ba tháng đầu năm.
Lý giải sự kém sắc của thị trường đất nền, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group, cho biết với đất nền, TP HCM gần như không có nguồn cung mới, còn các tỉnh giáp ranh thì rổ hàng nhỏ giọt, lại chịu cạnh tranh từ nguồn hàng thứ cấp cắt lỗ, giảm giá nên khó có giao dịch.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan, cho rằng đất nền sau giai đoạn phục hồi ngắn đầu năm nay đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt với cả giao dịch và nhu cầu tìm kiếm. Lượt tìm kiếm có xu hướng đi ngang, nhưng theo ghi nhận từ nhiều đơn vị môi giới đất nền thì giao dịch giảm xuống.
Bàn về nguyên nhân, theo ông Tuấn, đất nền có cải thiện trong quý I chủ yếu vì sự xuất hiện của nhóm đầu tư tận dụng cơ hội đón đầu Luật đất đai vừa thông qua. Còn trên thực tế, nhu cầu mua từ nhóm khách hàng cá nhân chưa có tăng trưởng. Bên cạnh đó, khi thanh khoản có dấu hiệu tăng trở lại trong quý I, nhiều chủ đất bắt đầu điều chỉnh giá bán hoặc găm hàng, không muốn đẩy hàng ra. Nhóm mua đầu tư cảm thấy lợi nhuận chưa hấp dẫn nên chọn tiếp tục chờ đợi thay vì xuống tiền. Thị trường mất đi nhóm mua chính, kéo theo giao dịch đi xuống.
Theo các chuyên gia, đà phục hồi của đất nền luôn chậm hơn so với các loại hình bất động sản khác do đây vẫn là phân khúc phục vụ nhu cầu mua đầu tư là chính.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định khi quy định siết phân lô bán nền tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, đất nền phân lô sẽ giảm rất mạnh nguồn cung. Trong khi đó nhu cầu đất nền khó giảm về dài hạn vì tâm lý người Việt vẫn rất chuộng loại hình này. Cung ít cầu nhiều, giá đất nền sẽ đi lên, nhiều khả năng từ giữa năm 2025, phân khúc này có thể phục hồi thanh khoản.
Phương Uyên