Trung tâm thương mại kín khách thuê
Các trung tâm thương mại nội thành Hà Nội và TP HCM kín chỗ trong quý I, giá thuê tăng 2-13%.
Quý I, hai nhãn hàng thời trang Cartier và Rene Caovilla cùng mở cửa hàng mới tại trung tâm thương mại Union Square, quận 1, TP HCM. Họ là hai trong các thương hiệu từ cao cấp đến bán lẻ phổ thông liên tiếp mở rộng kinh doanh trong 3 tháng đầu năm. Nhờ đó, tỷ lệ gian hàng trống tại các trung tâm thương mại ở đô thị lớn được lấp đầy.
Theo đơn vị tư vấn bất động sản CBRE, diện tích bán lẻ trống tại khu vực trung tâm tại hai thành phố lớn ở ngưỡng thấp, đẩy mặt bằng giá tăng. Tỷ lệ này tại TP HCM là 4,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê tại đây tăng 1,8%, lên 240 USD mỗi m2 một tháng.
Trong khi đó, mặt bằng trống ở các trung tâm thương mại của Hà Nội cũng giảm về còn 1,7%. Mức thuê bình quân tăng 13,4%, đạt 163,2 USD mỗi m2 mỗi tháng.
Các công ty dịch vụ bất động sản đánh giá thị trường bán lẻ khả quan, nhu cầu mở rộng của các thương hiệu nước ngoài tăng lên, trong khi nguồn cung khan hiếm, giúp các trung tâm thương mại nội đô kín chỗ.
Theo Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I gần 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tại TP HCM, hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trên 12%, đạt hơn 270.000 tỷ đồng.
Số liệu của đơn vị tư vấn Savills cho hay 67% giao dịch thuê ở đầu tàu kinh tế phía Nam đến từ các thương hiệu muốn mở rộng mạng lưới, hiện diện. Xét theo ngành hàng, thời trang chiếm 50%, tiếp theo là F&B với 20% thị phần và sức khỏe, sắc đẹp khoảng 15%.
Cầu tăng, nhưng phía cung lại giảm 2% so với cùng kỳ. Tức là, thị trường ngày càng khan hiếm mặt bằng thuê tại các trung tâm thương mại.
Bà Giang Huỳnh, Trưởng phòng Nghiên Cứu & S22M Savills TP HCM cho rằng thị trường mặt bằng bán lẻ hiện đại tiếp tục phát triển nhờ triển vọng thu nhập, dân số tăng.
Khi các trung tâm thương mại nội thành kín chỗ, các thương hiệu tính mở rộng ra ngoại ô. Đầu tháng này, Aeon vận hành siêu thị tinh gọn đầu tiên trong một trung tâm thương mại ở quận 7, diện tích 5000 m2.
Theo CBRE, mặt bằng bán lẻ vùng ven nhanh chóng tìm được khách thuê thay thế dù kinh tế khó khăn. Giá cũng tăng gần 14-24% tại Hà Nội và TP HCM.
“Các dự án trong và ngoài trung tâm cạnh tranh nhau bằng giá, cho thấy ngày càng nhiều nhãn hàng chú ý đến dịch chuyển ra xa trung tâm. Bởi, giá thuê tại đây hợp lý, nhiều lựa chọn”, theo đánh giá của Avison Young Việt Nam.
Giá cạnh tranh, nguồn cung cũng dồi dào. Trong năm nay, ít nhất 3 dự án tại quận 8, TP Thủ Đức sẽ ra mắt thị trường đầu tàu kinh tế phía Nam. Còn tại Hà Nội, thị trường kỳ vọng có thêm cung từ dự án 12.000 m2 tại quận Cầu Giấy vào cuối năm.
CBRE dự kiến 5 năm tới, tổng nguồn cung bán lẻ mới tại hai đô thị lớn nhất nước sẽ đạt bình quân khoảng 65.000 m2 mỗi năm. Mức này thấp hơn 57% so với trung bình 10 năm qua. Ít dự án quy mô lớn hoàn thành, nhưng khan hiếm sẽ giảm. Điều này giúp hạ nhiệt giá thuê, 2-3% ở ngoại ô và 5-8% tại khu trung tâm.
Anh Kỳ