Vỡ nợ vay mua nhà tăng cao ở Trung Quốc
Chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong lượng khách hàng vay mua bất động sản nhưng số người vỡ nợ, bị tịch thu nhà đang tăng nhanh ở Trung Quốc.
Cựu nhân viên tài chính 38 tuổi Lei Xiaoyu không còn dám bắt máy điện thoại kể từ khi mất khả năng thanh toán khoản nợ vay mua nhà quá hạn. “Đây là ngôi nhà duy nhất của tôi và tôi không muốn nó bị tịch thu”, cô nói.
Cách đây 7 năm, Lei Xiaoyu vay tiền để mua ngôi nhà trị giá 1,3 triệu nhân dân tệ (181.139 USD) ở Huệ Châu. Cô bị mất việc vào cuối 2022 và đã ngừng thanh toán nợ đến hạn. “Tôi cảm thấy đã lãng phí tuổi thanh xuân của mình”, cô hối hận.
Hiện tỷ lệ các khoản cho vay thế chấp mất khả năng thanh toán ở các tổ chức tín dụng Trung Quốc ước chỉ 0,4%. Những người rơi hoàn cảnh như Lei ít nhưng đang tăng nhanh, do nền kinh tế phục hồi chậm và bất động sản khủng hoảng.
Công ty nghiên cứu bất động sản China Index Academy cho biết số lượng nhà bị tịch thu vì người mua vỡ nợ năm ngoái là 389.000 căn, tăng 43% so với 2022. Hơn 50.000 căn hộ khác vừa bị tịch thu trong tháng 1/2024, tăng 64,4% so với cùng kỳ.
Theo giới phân tích, các khoản nợ quá hạn gia tăng có thể có tác động tiêu cực đến giá bất động sản và niềm tin thị trường, làm phức tạp thêm những nỗ lực ổn định thị trường nhà ở nói riêng và nền kinh tế nói chung. “Điều này tác động tiêu cực đến tiêu dùng và cũng là lời cảnh tỉnh rằng tránh đầu tư quá mức vào bất động sản”, chuyên gia kinh tế Nie Wen của Hwabao Trust, nói.
Dữ liệu từ China Index Academy cho biết tổng cộng 99.000 căn nhà bị tịch thu đã được phát mại năm ngoái, thu về 150 tỷ nhân dân tệ, tương đương 20,8 tỷ USD. Như vậy, trung bình một căn thanh lý được 210.000 USD.
Duan Chenglong, Giám đốc công ty chuyên tịch thu nhà Beijing Xiangpaipai Information Service cho biết các cuộc phát mại là kết quả của những tranh chấp nợ kéo dài từ hai đến ba năm. Ông dự báo xu hướng sẽ tăng tốc. “Môi trường kinh tế hậu đại dịch không được tốt, nhiều người không trả được nợ thế chấp, bao gồm do vấn đề việc làm”, Duan Chenglong nói.
Một vấn đề là nguồn cung nhà đang dư thừa. Ngân hàng ANZ ước tính diện tích sàn nhà ở chưa bán được của Trung Quốc đã vượt quá 3 tỷ m2 vào cuối năm 2023. Điều này càng khiến các đợt phát mại ngày càng ế ẩm.
Bà mẹ đơn thân 30 tuổi tên Xin sống tại Trú Mã Điếm (Hà Nam) thế chấp căn hộ của mình để kinh doanh giải trí dành cho trẻ em. Công việc kinh doanh của cô thất bại do lệnh phong tỏa vì Covid-19 vào năm 2020.
Căn nhà được mua 310.000 nhân dân tệ (hơn 43.113 USD) vào năm 2019, được phát mãi 2 lần năm ngoái giá 170.000 nhân dân tệ (hơn 23.600 USD) mà không ai mua. “Còn hơn 10 căn hộ được phát mại trong cùng một tòa nhà”, Xin nói.
Anh Kỳ (theo Reuters)