Tin tức cập nhật

Yêu cầu địa phương điều chỉnh bảng giá đất để tránh trực lợi khi đấu giá


Bộ Tài nguyên & Môi trường yêu cầu các tỉnh, thành phố điều chỉnh bảng giá đất sát với thực tế để tránh trục lợi trong đấu giá.

Ngày 23/8, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ký công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.

Yêu cầu được đưa ra dựa trên tình trạng một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá hiện hành đã ban hành theo Luật Đất đai 2013 để làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết tại Luật Đất đai 2024.

“Điều này dẫn tới có sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản”, văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

Khung cảnh Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Khung cảnh Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Nguyên nhân tình trạng trên do bảng giá đất ban hành theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ vốn đã được bỏ theo Luật Đất đai 2024. Cùng với đó, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh cho phù hợp, dẫn tới giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi áp dụng giá đất phải chỉ đạo rà soát. Trường hợp giá đất chưa phù hợp với thực tế thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh theo Luật Đất đai 2013, áp dụng đến hết ngày 31/12.

Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành được áp dụng hết ngày 31/12. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh được phép điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.

Từ 1/1/2026, UBND cấp tỉnh xây dựng trình HĐND cùng cấp duyệt bảng giá đất lần đầu để công bố. Hằng năm, UBND cấp tỉnh trình sửa đổi, bổ sung bảng giá đất vào ngày 1/1 của năm tiếp theo.

Từ đầu tháng 8, các phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức đã thu hút lượng người tham gia lớn với hàng nghìn hồ sơ đăng ký, gây xôn xao thị trường. Tại phiên gần nhất ở Hoài Đức ngày 19/9, hơn chục lô đất được trúng với giá trên 100 triệu đồng mỗi 2, trong đó lô cao nhất là hơn 133 triệu đồng một m2.

Mức này cao hơn 18 lần giá khởi điểm, được nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nhận xét vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực. Cùng với đó, một số cũng cho rằng các cuộc đấu giá còn những điểm bất hợp lý như giá khởi điểm quá thấp làm tiền đặt cọc ít, chưa đủ sức ngăn ngừa tình trạng không nộp tiền nếu trúng với giá cao. Cách thức tổ chức đấu giá tại một số địa phương cũng có thể chưa phù hợp, khiến thời gian đấu giá có thể kéo dài xuyên đêm.




Source link